Hà Nội ghi nhận biến chủng Omicron BA.5 tại cộng đồng

Theo thông báo của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã ghi nhận các trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron BA.5 tại cộng đồng. Trước tình trạng này, Sở Y tế Hà Nội đang tăng cường giám sát theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội

Trong những tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận trung bình 140-160 ca bệnh/ngày. Đặc biệt, báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, số ca Covid-19 có xu hướng tăng trở lại, ngày 1-7-2022 ghi nhận tới 298 ca/ngày. Đồng thời, theo thông báo của Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron BA.5 tại cộng đồng. 

Ảnh minh họa

Trước tình hình trên, Sở Y tế yêu cầu CDC Hà Nội tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác giám sát ca bệnh, vi rút theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thực hiện lấy mẫu dịch tỵ hầu đối với các trường hợp có xét nghiệm test nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2 và tiếp nhận, lựa chọn giám sát giải trình tự gen; phối hợp gửi tới các đơn vị có năng lực thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, CDC Hà Nội phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố triển khai hoạt động giám sát trọng điểm Covid-19. 

Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh

Theo TS Socorro Escalante, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, Việt Nam có một hệ thống giám sát bệnh cực kỳ tốt, điều này có thể giúp Chính phủ Việt Nam phát hiện sớm các nhóm gen hoặc các biến chủng mới. Các biện pháp đang triển khai thực hiện là cần thiết để phát hiện và khẳng định các ca bệnh mới. 

“Những gì chúng ta biết đến thời điểm hiện tại là các biến chủng, các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn. Chúng ta chưa biết chính xác liệu độc lực của nó có cao hơn không, nhưng vắc xin hiện tại chúng ta đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến chủng BA.4 và BA.5”, TS Socorro Escalante nhấn mạnh.

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy hiệu quả của vaccine COVID-19 giảm dần theo thời gian, khoảng 6 tháng sau khi tiêm. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và CDC Mỹ đã khuyến cáo tiêm mũi 3, 4 để phòng chống dịch. Nhiều nước đã tiêm mũi 3, 4 cho người lớn và trẻ vị thành niên.

Hiện tại, Sở Y tế đang đôn đốc CDC thành phố thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân thuộc đối tượng tiêm chủng. Đặc biệt đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi và mũi nhắc lại lần 1 và lần 2 (mũi 3, mũi 4) cho người từ 18 tuổi trở lên.

Tổng hợp

Phản hồi của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.