Bệnh viêm đường hô hấp trên là tình trạng viêm nhiễm của các cơ quan, bộ phận thuộc đường hô hấp trên bao gồm: mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản.
Viêm đường hô hấp trên là một chứng bệnh thường gặp hàng năm, hay tái phát và thường xuất hiện theo mùa, nhất là mùa thu đông.
Nguyên nhân gây bệnh viêm đường hô hấp trên
Nguyên nhân gây viêm đường hô hấp trên phần lớn là do các virut, liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, phế cầu khuẩn và một số loại nấm…
Nhóm virut này gây bệnh bằng cách cư trú ở chất nhầy niêm mạc mũi họng. Chúng sẽ nằm ở đó, xâm nhập vào tế bào niêm mạc, nhân bản rồi phá hủy tế bào và lây lan sang tế bào bên cạnh.
Cơ thể sẽ kháng cự lại với các kháng thể IgA sẵn có và đội quân bạch cầu bảo vệ. Thông thường sẽ có một vài tế bào niêm mạc hô hấp bị tổn thương và bị virut phá hủy nhưng sau khoảng 2 tuần lớp tế bào mới lại mọc lên và đẩy lùi virut. Nhưng trong một số trường hợp, cơ thể tiêu diệt không hiệu quả, virut từ đường hô hấp trên sẽ nhân bản và xâm nhập xuống tận đường hô hấp dưới và vào máu gây nhiều bệnh biến thể khác.
Ngoài ra, viêm đường hô hấp có thể do nhiều căn nguyên khác nhau: có thể do dị ứng với thời tiết, với các loại dị nguyên khác nhau (kháng nguyên) có trong không khí, trong bụi, dị ứng hoặc tác động của hóa chất, khói thuốc lá (hoặc hút hoặc hít phải khói thuốc lá, thuốc lào do người khác phả ra).
Biểu hiện bệnh như thế nào?
Viêm đường hô hấp không phải là một bệnh đơn lẻ mà là tổng hợp bệnh do bị cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản… Những triệu chứng chủ yếu bao gồm: sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, tắc mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, lạc tiếng, giọng mũi, khản đặc có khi mất tiếng, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp…
Viêm đường hô hấp trên có thể kèm theo sốt, ho, đau họng.
Đặc điểm quan trọng của viêm đường hô hấp trên là thời gian ủ bệnh ngắn, tốc độ biểu hiện bệnh nhanh và các biểu hiện mang tính ồ ạt. Chính vì thế mà sốt trong các bệnh của viêm đường hô hấp trên thường là sốt cao và thành cơn. Thân nhiệt thường là 39 độC trở lên.
Đi kèm với sốt là hắt hơi, sổ mũi, người bệnh hắt hơi nhiều hơn mức bình thường, có khi đến 4-5 cái/một lần và xuất hiện nhiều lần trong ngày, chảy dịch mũi với đặc điểm dịch nhiều, trong, loãng, không có mủ và không có mùi hôi. Khi virut gây bệnh ở thanh quản thì bệnh nhân sẽ bị khàn tiếng đến mất tiếng vì dây thanh âm bị phù nề, viêm nhiễm.
Biến chứng của viêm hô hấp trên
Đối với người già, trẻ em, bệnh viêm đường hô hấp trên có thể làm suy giảm miễn dịch gây những biến chứng nguy hiểm và rất dễ dẫn tới tử vong, nhất là ở trẻ nhỏ. Biến chứng phổ biến nhất là viêm tai giữa cấp, biến chứng này có tới 25% trẻ nhỏ bị viêm mũi họng cấp mắc phải hoặc viêm mũi họng cấp thường dẫn đến viêm thanh khí phế quản, viêm tiểu phế quản cấp, viêm phổi do virut.
Biến chứng của nhiễm khuẩn đường hô hấp thường diễn tiến nhanh và nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ nếu không cứu chữa kịp thời.Do đó, với một bệnh hết sức thông thường như cảm lạnh trong mùa đông nhưng việc điều trị cần được tiến hành sớm.
Làm sao phòng tránh?
Để tránh mắc phải viêm đường hô hấp trên, biện pháp dự phòng được đặt lên hàng đầu để ứng phó. Vì đây là một bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp nên tốt nhất hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân; luôn rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn uống sẽ loại trừ virut khỏi bàn tay.
Tránh làm việc, học tập trong môi trường nhiệt độ quá cao; tránh nằm điều hòa quá lạnh, tránh làm việc trong môi trường nhiệt độ quá cao: giữ ấm cơ thể khi đi đường, giữ ấm cổ khi ngủ là những biện pháp tuy đơn giản nhưng lại giúp ta phòng tránh khá tốt với những căn bệnh thuộc loại này.
Ngoài ra, tiêm vắc-xin phòng bệnh là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất hiện nay. Khuyến cáo các bậc phụ huynh nên chủ động chích ngừa cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn. Lịch tiêm vắc-xin ngừa bệnh như sau: Đối với trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi: tiêm mũi 1 cách mũi 2 một tháng; nhắc lại mũi 3 sau 1 năm và hàng năm tiêm 1 lần/1 mũi. Trẻ từ 9 tuổi trở lên và người lớn tiêm 1 năm 1 lần.
BS. Nguyễn Văn Dũng