Cấp tiết tìm ra căn nguyên gây bệnh viêm đường hô hấp mạn tính đóng góp vai trò đặc biệt trong điều trị. Viêm hô hấp mạn tính rất nguy hiểm nếu người bệnh không nhận biết và có biện pháp dự phòng từ sớm.
Các bệnh lý đường hô hấp mạn tính, phổ biến nhất là hen phế quản và viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Đây là 2 bệnh rất thường gặp và đang trở thành gánh nặng về y tế trên toàn cầu.
Quá trình xơ hóa, tái cấu trúc đường thở là nguyên nhân gây ra các bệnh viêm đường hô hấp mạn tính.
Theo số liệu thống kê trên thế giới, cứ 4 người thì có ít nhất 1 người đã và có thể mắc phải các bệnh viêm đường hô hấp mạn tính trong cuộc đời. Con số này ngày càng gia tăng theo thời gian, tỷ lệ thuận với mức độ ô nhiễm môi trường và lối sống hiện đại…
Gia tăng mắc các bệnh hô hấp mạn tính
Cứ sau 10 năm, số lượng bệnh nhân được chẩn đoán mắc hen phế quản lại tăng lên gần gấp đôi. Tổ chức Y tế Thế giới đã ghi nhận, bệnh hen phế quản là nguyên nhân dẫn đến tử vong của 30% trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi. Hàng năm, có khoảng 4.000 – 5.000 người Mỹ tử vong vì căn bệnh này.
Từ năm 2000, y tế Mỹ đã chi trả hơn 32 tỷ USD mỗi năm cho việc điều trị viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Tuy nhiên, căn bệnh này vẫn không ngừng gia tăng và trở thành nguyên nhân gây tử vong thứ 3 ở quốc gia này, chỉ sau bệnh tim mạch và ung thư. Cũng ở Mỹ, số người bị hen phế quản phải cấp cứu và điều trị tích cực tại bệnh viện và số trường hợp tử vong do bệnh này đang tăng lên hàng năm.
Mặc dù y học hiện nay ngày càng có thêm hiểu biết về nguyên nhân, cơ chế bệnh lý và tăng cường các liệu pháp điều trị. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân vẫn phải chịu đựng các triệu chứng như ho, đờm đặc, khó thở, mệt mỏi từ nhẹ, vừa, đến nặng và rất nặng kéo dài.
Hầu hết người bị hen phế quản, COPD phải dùng thuốc tây triền miên, số lượng thuốc và liều dùng tăng dần theo năm tháng. Điều này làm giảm khả năng đáp ứng thuốc và gây ra nhiều tác dụng phụ cho người mắc. Với những bệnh nhân bị tăng huyết áp, đái tháo đường, lao phổi, người cao tuổi, người có bệnh tim mạch thì việc điều trị trở nên khó khăn. Nguyên nhân thuốc trị hen, COPD đối kháng với thuốc tim mạch khiến các bệnh mắc kèm trở nên trầm trọng.
Đi tìm nguyên nhân gây bệnh viêm đường hô hấp mạn tính
Mặc dù có rất nhiều nguyên nhân ra các bệnh đường hô hấp như: vi khuẩn, virus, khói bụi, tiếp xúc lâu ngày với hóa chất độc hại… Nhưng từ những nghiên cứu, kinh nghiệm điều trị hen và COPD, các nhà khoa học đã nghi ngờ về quá trình xơ hóa, tái cấu trúc đường thở là nguyên gốc của bệnh hen và COPD.
Tái cấu trúc là tình trạng bệnh lý xuất hiện trong các bệnh đường hô hấp như: Hen phế quản và COPD. Trong đó có các cơ chế xảy ra ở cả trong và ngoài tế bào, gây diệt vong các tế bào biểu mô, tăng sinh và xơ hóa các tế bào cơ trơn, tăng tạo các tế bào xơ (fibroblast) và tăng xâm lấn của chất collagen.
Hiện tượng này xảy ra cả với đường hô hấp lớn và nhỏ. Tái cấu trúc và xơ hóa có thể còn xảy ra trước, xảy ra song song với phản ứng viêm chứ không chỉ đơn thuần là hậu quả hay tiến triển tiếp của phản ứng viêm mạn tính.
Khi các tế bào hô hấp bị tổn thương do: Thiếu hụt các nguyên tố vi lượng; Hơi độc thủy ngân; Các hóa chất độc hại có trong nước uống, không khí, thực phẩm; Khói thuốc lá; Khói bụi giao thông và công nghiệp hoặc do vi khuẩn, virus, nấm… cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tăng sản sinh và tổng hợp năng lượng tế bào để giảm thiểu tác hại của yếu tố ngoại sinh và nội sinh.
Điều này khiến cho tế bào cơ trơn đường hô hấp thường xuyên bị kích thích và khử cực mạnh. Bất kể yếu tố nào như: dị nguyên, thuốc trị bệnh, hàm lượng muối ăn cao, hoạt động thể lực… đều có thể gây phản ứng co thắt cơ trơn phế quản, làm xuất hiện các triệu chứng điển hình của hen và tắc nghẽn phổi.
Khi hiện tượng co thắt cơ trơn phế quản xảy ra, các phản ứng viêm, tăng xuất tiết của niêm mạc hô hấp cũng xuất hiện làm cho triệu chứng của bệnh ngày càng trầm trọng. Hiện nay, các thuốc điều trị hen, COPD chỉ tập trung vào vấn đề giảm viêm, kháng khuẩn, giãn phế quản mà chưa tác động được vào nguyên nhân sâu xa gây bệnh – đó là tái cấu trúc, xơ hóa đường hô hấp.
Hy vọng tìm ra được nguyên nhân gây bệnh, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu ra hướng điều trị mới cho căn nguyên gây ra các bệnh viêm đường hô hấp mạn tính này.
TS.BS. Hoàng Xuân Ba (Theo sức khỏe đời sống)