Ho là một biện pháp bảo vệ cơ thể, ho là phản ứng có lợi. Tuy nhiên tình trạng ho nhiều, ho kéo dài có thể cảnh báo nguy cơ mắc các bệnh khác.
Ho có tác dụng giúp cơ thể làm sạch các hạt bụi và dịch tiết ra khỏi phổi và từ đó giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Tuy rằng ho mang lại lợi ích, nhưng ho không phải là một triệu chứng dễ chịu, đặc biệt là ho kéo dài.
Ho kéo dài ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và cuộc sống
Ho kéo dài được định nghĩa là ho trong tám tuần hoặc lâu hơn. Ho kèo dài nhiều ngày gây khó chịu, khiến cơ thể luôn ở trạng thái mệt mỏi, khó ngủ, thức giấc về đêm, khàn tiếng, căng cơ, đổ mồ hôi… Từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống, học tập và làm việc kém hiệu quả.
1. Nguyên nhân thường gặp gây ho kéo dài
Các nguyên nhân phổ biến nhất của ho kéo dài bao gồm chảy dịch mũi sau, hen suyễn và trào ngược axit từ dạ dày. Ba nguyên nhân này chiếm tới 90% các trường hợp. Nguyên nhân ít phổ biến hơn bao gồm nhiễm trùng, do thuốc và bệnh lý phổi.
Chảy dịch mũi sau: khi dịch tiết từ mũi nhỏ giọt hoặc chảy vào phía sau cổ họng. Những chất tiết này gây kích thích cổ họng và gây ho. Chảy dịch mũi sau tiến triển ở những người hay bị dị ứng, cảm lạnh, viêm mũi và viêm xoang. Các dấu hiệu chảy dịch mũi sau bao gồm: nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, cảm giác có chất lỏng ở phía sau cổ họng khiến người bệnh phải hắng giọng thường xuyên.
Hen suyễn: là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây ho kéo dài ở người lớn và là nguyên nhân hàng đầu ở trẻ em. Ngoài ho, triệu chứng đi kèm có thể là thở khò khè hoặc cảm thấy khó thở. Tuy nhiên, có một tình trạng được gọi là hen suyễn biến thể ho, trong đó ho là triệu chứng duy nhất của hen suyễn.
Trào ngược dạ dày thực quản: xảy ra khi axit từ dạ dày chảy ngược lại (trào ngược) vào thực quản, ống thông nối giữa dạ dày và cổ họng. Nhiều người bị ho do axit trào ngược, kèm theo ợ nóng hoặc có vị chua trong miệng. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân mắc trào ngược dạ dày thực quản, ho là triệu chứng duy nhất của họ.
2. Các nguyên nhân gây ho kéo dài không thường gặp
Sử dụng thuốc ức chế men chuyển: Angiotensin (ACE), thường được sử dụng để điều trị huyết áp cao. Thuốc gây ho mãn tính ở 20% bệnh nhân sử dụng. Ho thường là ho khan. Chuyển sang một loại thuốc khác thường cải thiện ho trong vòng một đến hai tuần.
Viêm phế quản mãn tính: là tình trạng đường hô hấp bị kích thích, khiến người bệnh ho nhiều, đôi khi tăng đờm. Hầu hết những người bị viêm phế quản mãn tính là những người hút thuốc lá kéo dài.
Ung thư phổi: đây là nguyên nhân hiếm gặp. Tuy nhiên, không thể loại trừ được ung thư, đặc biệt trên bệnh nhân hút thuốc lá lâu dài. Triệu chứng có thể là tính chất ho thay đổi đột ngột, bắt đầu ho ra máu hoặc vẫn tiếp tục ho hơn một tháng dù bỏ hút thuốc.
Viêm phế quản bạch cầu ái toan: một loại viêm đặc biệt của đường thở. Bệnh được chẩn đoán tình cờ khi làm các xét nghiệm hô hấp. Biểu hiện bao gồm: không có bằng chứng hen suyễn, nhưng xét nghiệm đàm xuất hiện nhiều bạch cầu ái toan. Viêm phế quản bạch cầu ái toan ít phổ biến hơn nhiều so với các nguyên nhân kể trên.
Việc chuẩn đoán nguyên nhân ho kéo dài chính xác có tính quyết định rất lớn đối với quá trình điều trị và phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh huy hiểm