Ho có đờm và kéo dài là triệu chứng của nhiều bệnh thuộc đường hô hấp. Ho có đờm gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên nếu tình trạng kéo dài ở người cao tuổi thì cần thận trọng với một số bệnh hô hấp nguy hiểm.
Ho là một phản xạ có lợi của cơ thể. Bởi vì, ho giúp tống đẩy bụi, dị vật và tác nhân có hại xâm nhập vào đường hô hấp qua mũi miệng. Ho có đờm xảy ra khi trong đường thở có chất xuất tiết sinh ra quyện lẫn với tạp chất. Ho giúp làm sạch phổi, tiêu đờm, dịch tiết và dị vật ra khỏi đường thở.
Người cao tuổi gặp ho có đờm kéo dài có thể cảnh báo nhiều bệnh hô hấp nguy hiểm
Đờm hay còn gọi là đàm, đó là chất tiết của đường hô hấp gồm có chất nhầy, hồng cầu, bạch cầu mủ và các chất độc hại xâm nhập vào đường hô hấp trên (vi sinh vật, bụi…). Các chất này được tiết ra từ khí phế quản, phế nang, họng, các xoang hàm trán, các hốc mũi. Khối lượng tiết dịch đờm khoảng 100ml/24 giờ và sẽ được nuốt hoặc chảy qua thực quản rồi đào thải theo đường tiêu hóa theo phân ra ngoài.
Đờm có thể là hậu quả của nhiều nguyên nhân gây bệnh ở đường hô hấp như viêm họng, mũi, thanh quản, khí quản, ápxe phổi, nhồi máu phổi, viêm phổi, hen phế quản, giãn phế quản, khí phế thũng, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính… Vì vậy, có các loại đờm như đờm thanh dịch, đờm nhầy, đờm có mủ, đờm có máu, đờm bã đậu (lao phổi).
Ho có đờm có thể là bệnh cấp tính hoặc mạn tính. Thường các bệnh gây ho và có đờm kéo dài trên 3 tuần là bệnh mạn tính.
Bệnh cấp tính gây ho có đờm kéo dài:
Ho có đờm gặp ở người cao tuổi trong các bệnh cấp tính như: cảm lạnh, viêm họng mũi cấp, viêm amiđan cấp hoặc viêm xoang cấp, viêm thanh, khí quản cấp. Sở dĩ viêm xoang cấp cũng gây ho và có đờm là do khi viêm xoang, các xoang bị viêm sẽ bị tắc, kèm theo bị nghẹt mũi, các chất nhầy tiết ra sẽ chảy xuống mặt sau của cổ họng.
Vào ban ngày, các dịch nhầy này được người bệnh xì ra hoặc tự trôi xuống đường tiêu hóa. Nhưng về ban đêm, dịch nhầy dễ ứ lại nơi cổ họng và kích thích gây ho. Chứng nghẹt mũi do viêm xoang khiến người bệnh khi ngủ dễ phải thở bằng miệng, do vậy họng rất dễ khô, rát và bị ho về đêm.
Bệnh hô hấp dưới gây ho có đờm:
Một số bệnh đường hô hấp dưới mạn tính gây ho, có đờm kéo dài như viêm phế quản mạn tính. Bệnh viêm phế quản mạn được đặc trưng bởi sự tạo lập đờm nhớt nhiều trong phế quản. Triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này là ho khạc đờm kéo dài từng đợt hoặc liên tục và tổng thời gian ho khạc đờm ít nhất 90 ngày trong 1 năm và ít nhất 2 năm liên tiếp.
Đờm thường có màu trắng đục, về sau có màu vàng; đờm nhày hoặc nhầy mủ trong đợt cấp. Đờm của viêm phế quản mạn thường khạc nhiều vào buổi sáng với lượng ít. Đờm thường là màu trắng đục, đặc biệt có thể thấy màu vàng (có thể do họ cầu khuẩn gây bệnh, nhất là tụ cầu vàng sản sinh ra sắc tố màu vàng ) hoặc màu xanh (có thể do trực khuẩn mủ xanh, bởi vì trực khuẩn này sản sinh ra sắc tố màu xanh).
Bệnh giãn phế quản gây ho có đờm:
Một trong số những bệnh gây ho và có đờm kéo dài lâu ngày. Đây là bệnh do hậu quả gây ra bởi các bệnh viêm phế quản cấp, mạn tính điều trị không dứt điểm. Bệnh ho kéo dài, xuất tiết nhiều nhất là ban đêm bởi vì khi nằm nhiều các chất xuất tiết (đờm) càng ứ đọng càng gây ho.
Giãn phế quản có thể đưa đến một số hậu quả xấu cho người bệnh, các trường hợp ổ giãn phế quản tồn tại một thời gian dài, không phát hiện sớm và điều trị đúng thì giãn phế quản có thể lan rộng ra sau nhiều đợt bội nhiễm tái phát, gây ápxe phổi hoặc gây mủ phế quản, mủ phổi, mủ màng phổi, xơ phổi, khí phế thũng và vẫn gây ho và có đờm. Bệnh giãn phế quản gây ho nhiều vào buổi sáng khi thức dậy, đờm màu trắng đục như mủ thường đóng thành khuôn.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:
Một loại bệnh gây ho và có nhiều đờm kéo dài là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Bệnh nhân thường ho khạc đờm có màu trắng, thường gặp ở những người có thói quen hút thuốc lá, làm việc lâu ngày ở môi trường độc hại. Bệnh có thể nhầm lẫn với bệnh hen suyễn.
Bệnh hen suyễn gây triệu chứng khó thở kèm theo ho khan và có nhiều đờm (do xuất tiết nhiều), khi khạc được đờm, cơn hen có thể giảm dần. Đờm thường có màu trắng và dính. Cũng cần lưu ý bệnh khí phế thũng là một yếu tố trong sự tiến triển của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hay có thể gọi là biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây khí phế thũng. Bệnh khí phế thũng gây ho và có nhiều đờm và kéo dài, bệnh tiến triển ngày một xấu đi nếu điều trị không đúng, không kịp thời.
Bệnh lao phổi:
Một bệnh khác gây ho và có đờm kéo dài, đó là bệnh lao phổi. Đa số bệnh lao phổi thường gây ho, khạc đờm màu trắng đục như: sữa hay nước vo gạo, đôi khi lẫn máu đỏ tươi.
Ngoài ra có thể gặp bệnh ho và có đờm kéo dài như bệnh ápxe phổi. Khi bị ápxe phổi, nếu ho mạnh có thể gây ọc mủ và thường xuất hiện từng đợt. Đặc điểm là mủ có mùi hôi rất khó chịu, nhất là ápxe phổi do tụ cầu vàng (S.aureus). Bệnh gây tổn thương nặng ở phổi và thường phải phẫu thuật loại bỏ ổ ápxe.
Hoặc ho và có đờm kéo dài là bệnh viêm phổi. Bệnh thường có đờm vàng, màu gỉ sét, kèm theo hội chứng nhiễm trùng, đau tức ngực ở vùng phổi bị viêm. Bệnh lý này rất nguy hiểm có thể dẫn tới suy hô hấp và đưa tới tử vong, tuy nhiên bệnh có thể điều trị khỏi được nếu phát hiện sớm.
Lời khuyên của thầy thuốc
Như vừa trình bày ở phần trên, bệnh ho và có đờm kéo dài là biểu hiện của nhiều bệnh của đường hô hấp. Vì vậy, khi nghi ngờ mắc bệnh đường hô hấp nhất là có ho và đờm kéo dài cần được khám bệnh, không nên chủ quan xem thường, tốt nhất là khám chuyên khoa hô hấp hoặc nội tổng hợp để xác định bệnh, trên cơ sở đó sẽ bác sỹ sẽ có chỉ định điều trị đúng, tích cực để bệnh chóng khỏi.
Người bệnh hoặc người nhà không nên tự chẩn đoán bệnh và không nên tự mua thuốc để điều trị nếu không có chuyên môn về y học. Khi được chẩn đoán đúng cần tích cực điều trị theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình (đơn thuốc) hoặc dùng thuốc (nếu nằm điều trị nội trú bệnh viện).
Ngoài việc dùng thuốc, người cao tuổi cần vận động cơ thể đều đặn hàng ngày bằng các biện pháp khác nhau tùy theo điều kiện của từng người. Để cho bộ máy hô hấp hoạt động tốt, hàng ngày nên tập thở, hít sâu, thở ra đều đặn. Người cao tuổi không nên hút thuốc, môi trường sống càng ít bị ô nhiễm càng tốt nhất là bụi, khói.
TTƯT.PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU (Theo sức khỏe và đời sống)