Corticoid là một trong những thuốc được chỉ định thêm để chữa viêm họng, giúp làm giảm nhanh các triệu chứng sưng, đau họng. Nhưng khi nào thì dùng các loại thuốc này?
Viêm họng là bệnh thường gặp khi giao mùa. Đó là tình trạng vòm họng ngứa rát, đỏ, đau khi nuốt. Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm họng như cảm cúm do virus, dị ứng, nhiễm vi khuẩn hoặc là triệu chứng của một bệnh lý khác như trào ngược dạ dày thực quản, viêm amidan…
Tùy vào nguyên nhân gây viêm họng mà các thuốc điều trị được chỉ định như:
– Thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc trị viêm loét miệng, thuốc chống dị ứng, thuốc ức chế bơm proton trong viêm họng do trào ngược axit dạ dày, hoặc kháng sinh khi có nhiễm khuẩn.
– Một số đơn thuốc có chỉ định thêm corticoid với mục đích giảm nhanh các triệu chứng đau, sưng rát họng. Thuốc corticoid liệu có hiệu quả và an toàn cho các bệnh nhân viêm họng hay không?
1. Corticoid là thuốc gì?
Corticoid hay corticosteroid là một loại thuốc giảm viêm, có tác dụng tương tự như cortisol – một loại hormone tự nhiên do tuyến thượng thận sản xuất.
Corticoid có tác dụng giảm sưng, ngứa, mẩn đỏ, giảm các phản ứng dị ứng do đó thường được chỉ định trong một số bệnh lý như: Các bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, lupus…), bệnh hen, dị ứng nặng, thay thế hormone tuyến thượng thận hoặc dự phòng thải ghép trong ghép tạng.
2. Corticoid có phải là thuốc chữa viêm họng hiệu quả?
Tác giả Behnam và cộng sự đã tiến hành một phân tích tổng hợp có hệ thống các thử nghiệm ngẫu nhiên về hiệu quả của corticoid trong điều trị viêm họng (Đăng trên Tạp chí Y khoa nước Anh – BMJ 2017; 358: j3887*). Mục tiêu nhằm đánh giá giữa lợi ích và rủi ro khi sử dụng corticosteroid như một biện pháp hỗ trợ điều trị viêm họng.
10 thử nghiệm đủ tiêu chuẩn đánh giá, với tổng số 1.426 bệnh nhân được đưa vào phân tích. Kết quả cho thấy một hoặc hai liều corticosteroid giúp giảm cường độ và thời gian đau sau 24 giờ, hết đau sau 48 giờ. Thời gian trung bình để bệnh nhân bắt đầu cảm thấy cơn đau giảm khi điều trị với corticoid sớm hơn 4.8 giờ so với nhóm dùng giả dược. 9/10 nghiên cứu có thu thập các thông tin liên quan đến tác dụng phụ khi sử dụng corticoid.
Dựa vào kết quả phân tích, các tác giả nhận định:
Corticosteroid liều thấp duy nhất có thể giúp giảm đau ở bệnh nhân viêm họng mà không làm tăng các tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên các thử nghiệm chưa đánh giá nguy cơ tiềm ẩn của liều corticoid tích lũy lớn hơn trên những bệnh nhân có tái phát các đợt viêm họng cấp tính.
3. Có nên sử dụng corticoid trong các đơn thuốc chữa viêm họng?
Nghiên cứu đã cho thấy với liều thấp và sử dụng duy nhất một đến 2 lần, tùy mức độ nghiêm trọng của viêm họng, corticoid có tác dụng giảm đau nhanh và mạnh hơn cho bệnh nhân.
Tuy nhiên thực tế sử dụng corticoid trong điều trị hiện nay là vấn đề cần được xem xét. Một số sản phẩm thuốc đông y đã bị phát hiện có trộn lẫn corticoid. Hoặc ngay chính các nhà thuốc, việc tư vấn sử dụng corticoid chưa được cân nhắc. Bất cứ tình trạng viêm nào hầu như đơn thuốc cũng kèm theo corticoid. Có nhà thuốc chia sẻ cũng biết tác dụng phụ của corticoid là nguy hiểm, nhưng bệnh nhân uống thấy hết đau nhanh sẽ tin tưởng mà quay lại mua thuốc. Người khác họ làm như vậy mà mình không làm thì mất khách.
Corticoid khi sử dụng liều cao, hoặc sử dụng kéo dài sẽ gây ra những tác dụng phụ nặng nề như:
– Tăng nguy cơ nhiễm trùng.
– Loãng xương.
– Loét dạ dày tá tràng.
– Teo da, chậm lành vết thương.
– Rậm lông, phù giữ nước.
– Tăng nhãn áp.
– Hội chứng Cushing (lắng đọng mỡ ở vùng cổ, lưng, chân tay teo nhỏ, mặt tròn như mặt trăng).
– Teo tuyến thượng thận.
Corticoid là con dao hai lưỡi có thể giúp hiệu quả điều trị đạt được nhanh nhất, nhưng những tác dụng phụ khi dùng corticoid kéo dài diễn biến âm thầm và nguy hiểm. Do đó cần cân nhắc và thận trọng khi sử dụng corticoid trong điều trị viêm họng, dùng đúng liều, đúng cách, đúng đối tượng để đạt được hiệu quả mong muốn và đảm bảo an toàn…
4. Sử dụng corticoid điều trị viêm họng như thế nào để hiệu quả và an toàn?
Trong những trường hợp bệnh nhân bị viêm họng, nên ưu tiên tư vấn các biện pháp vệ sinh miệng họng, uống đủ nước cùng chế độ ăn cân đối vì thông thường viêm họng sẽ khỏi sau 5-7 ngày. Tư vấn thêm các thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng khác như:
– Các thuốc giảm đau hạ sốt như paracetamol, ibuprofen hay aspirin (lưu ý: Trẻ em dưới 18 tuổi không nên dùng asprin).
– Thuốc giảm viêm loét miệng như tyrothricin, amylmetacresol hoặc các viên ngậm làm dịu họng.
– Thuốc kháng histamin trong trường hợp dị ứng.
– Thuốc kháng axit dạ dày trong trường hợp viêm họng do trào ngược…
– Nếu viêm họng do nhiễm khuẩn, cần đi khám để bác sĩ chỉ định loại kháng sinh thích hợp.
Trọng trường hợp bệnh nhân đau họng nặng, có thể kê thêm một hoặc hai liều corticoid thấp nhất (tùy theo độ tuổi, thể trạng của người bệnh). Tư vấn cho người bệnh uống cùng bữa ăn để giảm các kích ứng trên đường tiêu hóa và nhấn mạnh những tác dụng phụ nghiêm trọng khi lạm dụng corticoid để người bệnh không tự ý sử dụng.