Đau họng dễ khiến trẻ quấy khóc, nôn trớ, ăn uống kém làm cha mẹ lo lắng. Đau họng ở trẻ có thể xử lý nhanh chóng ngay tại nhà nếu cha mẹ tìm hiểu được nguyên nhân và xử lý kịp thời.
Nguyên nhân thường gặp gây đau họng ở trẻ nhỏ
Tác nhân chính khiến bé bị đau họng đa phần là do virus khiến cho cổ họng bị viêm, sưng đau. Ngoài ra đau họng có thể là biểu hiện của một số bệnh khác như:
– Viêm họng hạt
Bệnh viêm họng hạt xảy ra khi tình trạng niêm mạc họng bị viêm nhiễm kéo dài. Biểu hiện phổ biến của bệnh là đau họng và khó nuốt, amidan có màu đỏ và bao phủ bởi các chấm trắng hoặc mủ. Một số trẻ cũng phát ban đỏ trên cơ thể. Các triệu chứng như ho và sổ mũi cũng có xuất hiện nhưng ít phổ biến hơn.
– Cảm lạnh
Cho đến nay, cảm lạnh vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau, ngứa cổ họng ở trẻ nhỏ. Bệnh này cũng gây ra triệu chứng sổ mũi hoặc nghẹt mũi, ho và có thể sốt nhẹ đi kèm với đau họng. Nếu đau họng do cảm lạnh, bé thường sẽ tự hết bệnh sau 10 – 14 ngày mà không cần uống thuốc.
– Cảm cúm
Giống như cảm lạnh thông thường, cảm cúm là một bệnh hô hấp có thể gây ra đau họng. Bệnh do virus cúm gây ra và triệu chứng thường có xu hướng dữ dội hơn cảm lạnh như sốt cao, ớn lạnh, ho khan, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, mệt mỏi và thỉnh thoảng buồn nôn hoặc nôn.
– COVID-19
Số trường hợp nhiễm coronavirus (COVID-19) ở trẻ em ít hơn nhiều so với người lớn và thông thường, các triệu chứng cũng xuất hiện ở mức độ nhẹ hơn. Dấu hiệu nhận biết bé bị COVID-19 bao gồm sốt, ho, khó thở và các vấn đề về đường tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.
– Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng cũng là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là vào mùa hè và mùa thu. Một trong những dấu hiệu nhận biết là đau miệng và cổ họng, nguyên nhân là do hình thành các mụn nước nhỏ li ti hoặc vết loét khiến người bệnh khó nuốt.
– Dị ứng thời tiết
Trẻ có thể bị đau họng do tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như lông thú cưng, nấm mốc, bụi, cỏ, phấn hoa hoặc khói thuốc và các chất kích ứng hóa học xung quanh môi trường sống. Dị ứng có thể gây chảy nước mũi, ngứa mắt, hắt hơi, nghẹt mũi và đau họng.
Cách làm giảm cơn đau họng cho bé tại nhà
Nếu cơn triệu chứng đau họng khiến bé khó chịu hoặc làm gián đoạn giấc ngủ của con, bạn có thể tham khảo một số cách sau đây để làm dịu cơn đau họng cho bé:
– Cho con bú nhiều hơn
Ở trẻ bú mẹ, việc cho bú có thể giúp giảm cơn đau họng cho con. Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận tác dụng giảm đau của việc cho con bú. Nó cũng có thể ngăn trẻ khóc và khó chịu ở cổ họng.
Trẻ đang bú mẹ có thể muốn bú nhiều hơn khi bị ốm. Vì thế nếu có thể, hãy cho con bú mẹ thường xuyên hơn khi bé bị đau họng.
– Tăng độ ẩm trong phòng
Bé bị viêm họng thường hay bị nghẹt mũi kèm theo. Ba mẹ có thể đặt một máy tạo độ ẩm phun sương mát mẻ trong phòng nơi em bé ngủ để làm tan đi sự tắc nghẽn ở mũi và từ đó làm dịu cơn đau họng cho bé.
Ngoài ra có một mẹo khác là bạn có thể mở vòi sen nước nóng trong phòng tắm và đóng cửa để làm đầy hơi nước sau đó ngồi trong phòng với em bé. Phòng phải ấm và có hơi nước, nhưng không được quá nóng để tránh khiến em bé bị khó chịu.
– Vệ sinh mũi họng cho trẻ
Chảy dịch mũi xuống cổ họng có thể khiến cổ họng em bé cảm thấy ngứa ngáy và khó chịu, từ đó khiến bé bị đau họng và ho nhiều hơn. Vì thế hãy dùng bóng hút để thông mũi cho bé. Để việc hút hiệu quả hơn, bạn có thể xịt hoặc nhỏ dung dịch nước muối sinh lý vào mũi trẻ trước.
Khi nào dấu hiệu đau họng nên đưa bé đến bác sĩ?
Bạn nên đưa bé bị đau họng đi khám bác sĩ nếu con có những triệu chứng nghiêm trọng như:
• Trẻ rất mệt, lờ đờ.
• Trẻ bỏ ăn hoặc bỏ bú
• Trẻ nôn mọi thứ
• Phát ban
• Tình trạng ho, đau họng không thuyên giảm bằng các phương pháp dân gian thông thường tại nhà
• Trẻ thở nhanh, cánh mũi phập phồng, thở nhanh, SpO2 < 96%.
• Da xanh tái
Ngoài ra, nếu bạn nghi ngờ con có các triệu chứng của COVID-19 thì nên gọi cho bác sĩ trước để được tư vấn. Trường hợp bé bị triệu chứng nặng thì nên đưa con đi cấp cứu ngay.