Ho là triệu chứng điển hình trong các bệnh hô hấp, đặc biệt viêm họng và viêm phế quản có biểu hiện khá tương đồng như ho khan, đau họng. Phân biệt ho do nguyên nhân nào có quyết định qua trọng trong việc điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Vậy viêm họng và viêm phế quản là gì, triệu chứng ho do hai bệnh này khác nhau như thế nào? Cần điều trị thế nào để giảm ho nhanh và an toàn? Mời bạn đọc theo dõi cụ thể nội dung sau đây.
Viêm họng là gì?
Họng là nơi giao thoa giữa đường ăn và đường thở, vì vậy, vị trí này dễ bị tổn thương bởi nhiều yếu tố nội, ngoại sinh khác nhau. Viêm họng là tình trạng niêm mạc họng bị viêm, sưng ở phần hầu – họng. Hầu hết mỗi người đều từng bị viêm họng tối thiểu 1 lần/năm, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa hoặc mùa lạnh. Tuy nhiên, viêm họng kéo dài không dứt và thường xuyên tái phát thì có thể gây bội nhiễm, dẫn tới viêm amidan, viêm họng hạt hay viêm thanh quản.
Nguyên nhân viêm họng chủ yếu là: nhiễm virus, vi khuẩn, môi trường sống bị ô nhiễm, hít phải khói thuốc lá, mắc các bệnh lý liên quan tới đường hô hấp hoặc tiêu hóa,… Triệu chứng đau, ngứa họng, có đờm, ho khan, mất tiếng, sốt, chán ăn, hắt xì hơi,…
Viêm phế quản là gì?
Phế quản là ống dẫn không khí vào phổi. Hệ thống phế quản giống một hệ thống cành cây, chia ra nhiều cành và nhiều nhánh từ lớn tới nhỏ để dẫn khí vào phổi. Trong đó, có 2 nhánh lớn nhất được gọi là phế quản gốc phải và trái. Khi các phế quản này bị viêm sẽ gây tổn thương lớp tế bào phủ mặt trong lòng ống phế quản, phù nề các tổ chức dưới niêm mạc, co thắt các cơ trơn dưới lớp mô, tiết dịch vào lòng ống phế quản và dẫn tới các triệu chứng như ho, khò khè, có đờm,…
Bệnh viêm phế quản được chia thành 2 dạng:
• Viêm phế quản cấp tính: Tình trạng nhiễm trùng ngắn hạn, khiến đường hô hấp viêm tấy và chứa nhiều chất nhầy. Triệu chứng viêm phế quản cấp tính thường diễn ra trong vài tuần.
• Viêm phế quản mãn tính: Tình trạng viêm phế quản kéo dài từ vài tháng tới nhiều năm. Việc điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn.
Viêm phế quản thường do nhiễm virus, vi khuẩn, hút thuốc lá, môi trường nhiều khói bụi, trào ngược dạ dày và hay gặp vào mùa lạnh. Các triệu chứng điển hình của bệnh gồm ho, sốt, sổ mũi, nghẹt mũi, tiết đờm, thở khò khè, thở nhanh, khó thở, hắt hơi,… Viêm phế quản cấp có thể tiến triển thành viêm phế quản mãn tính, bội nhiễm, viêm phổi, áp xe phổi, lao phổi, suy hô hấp cấp hoặc thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng.
Phân biệt ho do viêm họng và ho do viêm phế quản
Ho do viêm họng: Bệnh nhân có biểu hiện ngứa cổ, rát họng, khô họng, vướng đờm ho. Người bệnh viêm họng luôn có cảm giác muốn ho cho đỡ ngứa cổ và ho thật mạnh để đẩy các dị vật khó chịu ra ngoài. Tình trạng ho khan quá nhiều có thể khiến toàn bộ niêm mạc họng bị đỏ rực, phù nề và sưng tấy, thậm chí ho đờm lẫn máu.
Ho do viêm phế quản: Bệnh nhân ho tăng dần, có thể ho đơn thuần, không kèm khạc đờm hoặc có trường hợp ho khạc đờm. Người bệnh thường ho theo cơn, ho dữ dội và liên tục, ho nặng ngực có khò khè, đôi khi thở mệt, thiếu hơi, khạc ra đờm cục màu trong vàng hoặc xanh. Nếu đờm màu trắng trong, bệnh thường do virus. Nếu đờm có màu vàng, xanh hoặc đục như mủ thường là dấu hiệu cảnh báo viêm phế quản cấp do vi khuẩn và người bệnh cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Ho chỉ là triệu chứng bệnh nên việc đi khám và điều trị là rất cần thiết. Ngoài ra người bệnh có thể làm giảm các triệu chứng ho bằng nhiều giải pháp như súc họng nước muối, dung dịch sát khuẩn, ngậm ho bằng các loại thảo dược hoặc xịt họng bằng keo ong vừa tác dụng giảm ho và giảm viêm họng.