Viêm họng khi mang thai, uống thuốc nào để an toàn?

Viêm họng khi mang thai là hiện tượng phổ biến, có thể gặp nhiều thời điểm của thai kỳ. Việc sử dụng thuốc chữa viêm họng trong thời kỳ mang thai cần nhất là an tâm đến mức độ an toàn.

Vì vậy, khi cần dùng thuốc chữa viêm họng, trường hợp cần thiết cần có sự tư vấn của thầy thuốc.

Vì sao phụ nữ mang thai hay bị viêm họng?

Viêm họng khi mang thai có thể xảy ra bất cứ lúc nào do sự thay đổi nội tiết tố diễn ra bên trong cơ thể người phụ nữ, có xu hướng khiến họ nhạy cảm hơn với dị ứng, cảm cúm hoặc các vấn đề khác có thể gây ra loại triệu chứng này.

Viêm họng cũng là một triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh. Phần lớn các bệnh viêm họng là do virus gây ra, đây cũng là thủ phạm gây ra cảm lạnh thông thường và cảm cúm theo mùa. Nhiễm khuẩn cũng có thể gây đau họng và có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh kê đơn.

Ngoài ra, viêm họng còn có thể do trào ngược axit, dị ứng (bụi và phấn hoa), căng cơ ở cổ họng, tiếp xúc với hóa chất hoặc chất ô nhiễm và viêm xoang…

Những thuốc chữa viêm họng có thể sử dụng cho người mang thai

Theo nguyên tắc chung, phụ nữ mang thai không nên dùng bất kỳ loại thuốc nào không theo chỉ định. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng đủ nghiêm trọng, có thể cần thiết phải dùng thuốc.

Trong một số trường hợp, đặc biệt khi ho khan kéo dài và bà bầu cảm thấy đau bụng, kéo căng cơ bụng và các cơn co thắt lặp đi lặp lại, bác sĩ có thể kê toa thuốc siro ho hoặc thuốc kháng histamine để giải tỏa.

Nhưng nếu ho có đờm thì không nên uống mà điều quan trọng lúc này là giúp đào thải chất đờm tiết ra khỏi phổi và đường thở. Thuốc long đờm có thể dùng là bromhexin, acetylcystein, ambroxol…

Các loại thuốc này có tác dụng giảm độ nhầy của đờm, giúp đờm dễ dàng bị tống ra khỏi họng. Cần lưu ý, nếu bị hen suyễn, suy nhược cơ thể, dị ứng với thành phần thuốc thì không được sử dụng.

Ở giai đoạn đầu cũng có thể dụng các thuốc dạng viên ngậm như lysopaine, mekotricin, benzocain, papain…

Nếu viêm họng do virus không cần dùng kháng sinh vì không mang lại hiệu quả, lúc này chỉ cần dùng thuốc paracetamol để giảm triệu chứng như sốt, ho, đau họng… Lưu ý, không được sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng viêm aspirin.

Nếu viêm họng do nhiễm khuẩn, thuốc kháng sinh sẽ được bác sĩ kê đơn dựa trên tiền sử và sinh vật gây bệnh. Viêm họng hạt là một trong những loại nhiễm trùng do vi khuẩn phổ biến nhất đi kèm với đau họng. Một trong những dấu hiệu nhận biết của bệnh viêm họng liên cầu khuẩn là có một lớp phủ trắng hoặc những đốm trắng ở mặt sau cổ họng kèm theo sốt cao.

Cần nhớ, chỉ sử dụng thuốc kháng sinh sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ và với liều lượng được chỉ định. Nhiều loại thuốc kháng sinh bị cấm trong thai kỳ do nguy cơ dị tật bẩm sinh cao, vì vậy không nên tự ý dùng thuốc.

Uống thuốc viêm họng có ảnh hưởng đến thai nhi?

Mang thai là một tình trạng sinh lý đặc biệt mà điều trị bằng thuốc là mối quan tâm vì sinh lý của thai kỳ ảnh hưởng đến dược động học của các loại thuốc sử dụng và một số loại thuốc có thể đến thai nhi và gây hại.

Thực tế một số loại thuốc được sử dụng trong thời kỳ mang thai có thể gây hại cho thai nhi, nhưng không thể hoàn toàn tránh điều trị bằng thuốc trong thai kỳ. Đây là một trong những vấn đề cổ điển trong điều trị y tế.

Phụ nữ mang thai nếu phải dùng thuốc để điều trị viêm họng cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Do đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phát triển một hệ thống xác định nguy cơ gây quái thai của thuốc bằng cách xem xét chất lượng dữ liệu từ các nghiên cứu trên động vật và con người.

FDA phân loại các loại thuốc khác nhau được sử dụng trong thai kỳ thành 5 loại, A, B, C, D và X. Loại A được coi là loại an toàn nhất và loại X tuyệt đối chống chỉ định trong thai kỳ. Điều này cung cấp hướng dẫn điều trị cho bác sĩ lâm sàng.

Thuốc ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của thai nhi, độ mạnh và liều lượng của thuốc. Đó là lý do tại sao bạn cần phải đặc biệt cẩn thận với các loại thuốc và việc dùng thuốc khi đang mang thai.

Nếu phải dùng thuốc để điều trị viêm họng, dù là thuốc được bác sĩ kê đơn, thuốc mua tự do hay thậm chí các loại thảo mộc và thực phẩm chức năng, cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Những lưu ý khi phụ nữ mang thai bị viêm họng

Các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp trên có thể được kiểm soát bằng cách nghỉ ngơi và bổ sung nước đầy đủ, ngậm viên ngậm không chứa thuốc, đồ uống chanh và mật ong và xông hơi hoặc xịt hoặc rửa mũi bằng nước muối.

Paracetamol có thể được sử dụng ngắn hạn để giảm đau. Nên tránh dùng thuốc ức chế ho, ví dụ như pholcodine hoặc codeine liều thấp do hiệu quả hạn chế. Nên tránh dùng thuốc thông mũi trong thai kỳ do có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu qua nhau thai.

Nên đi thăm khám bất cứ khi nào bị ho dai dẳng hoặc các bệnh đường hô hấp khác để bắt đầu điều trị bằng các loại thuốc không gây hại cho thai nhi, tránh các biến chứng.

Ho khi mang thai không gây hại cho em bé. Tuy nhiên, một số nguyên nhân gây ho có thể gây hại như các bệnh hen suyễn, viêm phế quản hoặc viêm phổi, cũng như việc sử dụng một số loại trà, thảo dược tự nhiên và dược phẩm được sử dụng mà không có kiến thức y tế.

Để giảm ho khi mang thai, nên tránh những nơi lạnh, ô nhiễm nặng, nhiều khói bụi. Bên cạnh đó, bà bầu cũng nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày cũng như các loại trà ấm pha mật ong, chanh để giảm ho một cách tự nhiên.

Mang thai có thể làm cho việc điều trị các bệnh thông thường trở nên phức tạp hơn. Vì vậy cần phải được thăm khám, chẩn đoán và điều trị một cách thích hợp bất kỳ bệnh tiềm ẩn nào có thể phát triển trong thai kỳ.

 

BS. Nguyễn Thị Kim Chi
Thành viên Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành

Phản hồi của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.