Gia tăng trẻ mắc bệnh hô hấp, cha mẹ cần làm gì?

Giai đoạn chuyển mùa, khí hậu nóng ẩm khiến số lượng bệnh nhi mắc các bệnh lý hô hấp đang có sự gia tăng. Đặc biệt tình trạng viêm hô hấp nặng khiến nhiều trẻ phải nhập viện điều trị gây cản trở nhiều đến sinh hoạt gia đình.

Vậy giải pháp nào giúp trẻ khỏe mạnh với viêm đường hô hấp, mời cha mẹ hãy tìm hiểu bài viết sau nhé?

Những con số đáng lưu tâm

Gia tăng trẻ mắc bệnh hô hấp, cha mẹ cần làm gì?

Đưa con gái 4 tuổi đến khám tại BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), chị Hoàng Thị Yến (30 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh,TP.HCM) cho biết, hai ngày trước, chị đón con từ nhà trẻ trở về nhà nhận thấy bé có biểu hiện nóng sốt nhẹ, khi ngủ hơi khò khè, nhưng vì chủ quan nên chị không đưa con đi khám mà chỉ mặc thêm áo giữ ấm cho con. Ngày hôm sau, chị Yến vẫn cho con đi nhà trẻ như bình thường. Sau đó bé bắt đầu ho, khò khè nhiều hơn, triệu chứng nóng sốt không giảm, chị Yến liền đưa con đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám, điều trị.

Đang chờ đến lượt khám cho con, vợ chồng chị Trần Thị Thu Phương (35 tuổi) phải liên tục dỗ dành con để bé giảm ho và quấy khóc. Chị Phương cho biết, con của chị (bé H.M.Tr. 5 tuổi) bị nóng sốt, ho đã hai ngày. Trước đó, bé có uống thuốc nhưng không thuyên giảm, mà càng ho nhiều hơn, bỏ ăn, quấy khóc nên được đưa đến bệnh viện để khám.

Cũng như chị Yến và chị Phương, trong nhiều ngày trở lại đây thời tiết có sự thay đổi thất thường nên nhiều phụ huynh cũng đã đưa con đến khám với các biểu hiện bệnh tương tự. Trong quá trình đến khám, các bé được cha mẹ giữ ấm bằng việc mặc thêm áo dày, quàng khăn, đặc biệt là các trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi.

BS.CKII Phạm Văn Hoàng – Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) ghi nhận, tại đây mỗi ngày các bác sĩ tiếp nhận khám từ 5-6.000 lượt bệnh nhi. Trong đó lượng bệnh nhi mắc các bệnh lý về hô hấp chiếm tỷ lệ từ 15-20% .
Không chỉ lượng bệnh nhân tại khoa Khám bệnh gia tăng, trong vài tuần trở lại đây lượng bệnh nhi được nhập viện điều trị nội trú tại Khoa Hô hấp cũng đang có sự gia tăng đáng kể so với trước đây. Đặc biệt có nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện điều trị khi đã ở tình trạng nặng.

Gia tăng trẻ mắc bệnh hô hấp, cha mẹ cần làm gì?

Thời tiết nồm ẩm mùa xuân tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn tăng sinh và gây bệnh

BS Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa Hô hấp, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng phải được hỗ trợ thở oxy, được theo dõi và điều trị tích cực. Việc lựa chọn các kháng sinh để điều trị cho trẻ cũng phải được các bác sĩ cân nhắc để phù hợp với tình trạng của trẻ, nhằm đạt hiệu quả cao trong điều trị.

Chủ động phòng ngừa bệnh viêm hô hấp theo mùa

Theo BS.CKII Phạm Văn Hoàng, từ tháng 8-11 hàng năm là thời điểm gia tăng các bệnh lý liên quan đến hô hấp. Tình hình lượng bệnh gia tăng mang tính chất chu kỳ, do thời điểm này thời tiết chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa. Mưa nhiều và ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão khiến không khí lạnh hơn, độ ẩm tăng cao tạo thuận lợi cho một số vi khuẩn, vi trùng phát triển, đặc biệt là các chủng vi khuẩn vi trùng trú ngụ ở đường hô hấp gây bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản… Do thời tiết thay đổi bất thường, hiện nay có khuynh hướng gia tăng trẻ mắc các bệnh cảm cúm, cúm mùa, bệnh tay chân miệng.

Khác với các năm trước, năm nay do dịch bệnh COVID-19, trong các đợt thực hiện giãn cách xã hội, người dân cũng đã chủ động các biện pháp phòng bệnh cho trẻ, nên thời điểm các bệnh lý hô hấp gia tăng có phần trễ hơn; tuy nhiên dự kiến tình hình gia tăng bệnh lý hô hấp sẽ kéo dài cho đến cuối năm. Để phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh cần chủ động các biện pháp phòng bệnh, không nên chủ quan khi thời tiết trở lạnh.

Theo đó, hiện nay thời tiết đang có sự trở lạnh, phụ huynh cần biết cách giữ ấm cho trẻ, không để trẻ bị nhiễm lạnh bằng cách: cho trẻ mặc đồ ấm khi đến trường học, khi về nhà không nên cho trẻ nằm máy lạnh nhiều, không để trẻ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột như đang chơi ở bên ngoài nắng rồi vào khu vực có máy lạnh ngay, hoặc ngược lại đang trong phòng kín có máy lạnh đi ra bên ngoài trời nắng. Không nên cho trẻ tắm ngay sau khi từ bên ngoài trở về nhà, không nên cho trẻ tắm lúc tối muộn.

Gia tăng trẻ mắc bệnh hô hấp, cha mẹ cần làm gì?

Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho trẻ.

Ở thời điểm hiện tại mặc dù dịch bệnh COVID-19 đã tạm thời được kiểm soát, nhưng cha mẹ vẫn nên duy trì thói quen đeo khẩu trang cho trẻ, bởi ngoài tác dụng phòng dịch bệnh COVID-19, việc đeo khẩu trang cũng có lợi ích phòng ngừa các bệnh lý hô hấp khác. Phụ huynh không nên cho trẻ đến các khu vực đông người để phòng ngừa lây nhiễm bệnh.

Đối với trẻ sốt cao từ 2, 3 ngày trở lên, có biểu hiện ho nhiều, khò khè nhiều, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị. Cần lưu ý những biểu hiện cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám ngay là trẻ bị sốt cao liên tục, ly bì, bỏ ăn bỏ uống, khó thở, thở mệt. Đây là những dấu hiệu nặng của bệnh lý viêm phổi.

Về biện pháp phòng bệnh lâu dài, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ để tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời, nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng đủ chất, ăn chín uống sôi. Đồ ăn được chế biến phải đảm bảo vệ sinh, tránh ăn các đồ lạnh, không nên cho trẻ uống nước đá. Ngoài ra, nên bổ sung vitamin cho trẻ, cho trẻ uống đủ nước. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cần cho bú sữa mẹ hoàn toàn để tăng cường hệ miễn dịch. Tránh tiếp xúc với những người hút thuốc lá; khói thuốc lá chứa nhiều chất độc, có thể gây khởi phát các cơn hen, suyễn.

Trẻ cần được hình thành và duy trì các thói quen tốt như rửa tay, rửa chân. Phụ huynh không nên tin vào các phương pháp tắm bằng cỏ cây, thảo dược được lan truyền trên mạng Internet bởi nguy cơ nhiễm trùng.

Phản hồi của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.