BIẾN CHỨNG CỦA VIÊM HỌNG CẦN CHÚ Ý

Viêm họng là căn bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp trên khá phổ biến, từ trẻ em đến người lớn đều dễ mắc phải và có thể tự thuyên giảm trong vài ngày. Tuy nhiên, nếu là viêm họng bội nhiễm thì việc điều trị cần phải có kháng sinh và đòi hỏi tuân thủ đúng thuốc, đủ liều lượng. Thậm chí, nếu chủ quan viêm họng sẽ tiến diễn nặng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Điển hình như:

Biến chứng tại chỗ

Tình trạng viêm họng nếu không được điều trị triệt để có thể trở thành yếu tố hình thành khối tụ mủ, áp xe. Khu vực viêm sưng tấy hoặc áp xe có vị trí quanh amidan, các khoảng bên họng, áp xe thành sau họng.

Biến chứng nặng dễ gặp ở trẻ nhỏ từ 1 đến 2 tuổi, hay ở các đối tượng trì hoãn điều trị. Đôi khi ổ viêm tấy chuyển sang hoại thư vùng cổ, mặc dù hiếm gặp nhưng tiên lượng rất nặng nề.

Biến chứng lân cận

Dịch mủ viêm nhiễm chứa đầy vi trùng và nhu mô bị phá hủy từ khu vực họng viêm lan xuống các cơ quan thuộc đường hô hấp kế cận, khiến lây nhiễm càng rộng ra. Các bệnh lý có thể gặp là viêm thanh quản, viêm khí phế quản. Ngoài ra, đường hô hấp dưới cũng khó có thể tránh khỏi sự tấn công của vi khuẩn, biểu hiện là viêm phổi. Nếu mức độ nhẹ, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán là viêm phế quản – phế viêm. Nếu mức độ viêm nặng hay mắc phải tác nhân gây bệnh có độc tính cao sẽ dẫn đến viêm phổi thùy, áp xe phổi.

Do vùng khoang miệng, hầu họng có mối tương quan thân thiết với cấu trúc ống tai, bất cứ viêm nhiễm tại khu vực này đều hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến tai. Khi bị viêm họng, phản ứng viêm khiến nhu mô phù nề, gây bít tắc vòi nhĩ. Dịch bài tiết ứ đọng trong buồng nhĩ, ốc tai gây viêm tai giữa cấp, viêm tai trong cấp. Hoặc chính vòi nhĩ cũng là con đường tự nhiên thuận lợi cho việc lây truyền vi khuẩn. Cuối cùng, sự viêm nhiễm trong các cấu trúc của tai thường kéo dài nhiều ngày, phải điều trị dai dẳng và đôi khi ảnh hưởng đến chức năng thính lực, tiền đình.

Tương tự như trên, các xoang tự nhiên trong xương sọ cũng có nguy cơ lây lan nhiễm trùng từ ổ viêm họng. Chính vì thế, không ít gặp các trường hợp vừa bị viêm họng, vừa bị viêm mũi, viêm xoang cấp tính, bài tiết nhiều dịch mủ đặc, nặng mùi và kèm theo nhức đầu, sổ mũi, nghẹt mũi.

Biến chứng xa

Biến chứng này đáng sợ nhất khi tác nhân gây viêm họng là do liên cầu tan huyết. Bởi lẽ, độc tính của chủng vi khuẩn này không chỉ khu trú tại chỗ mà còn xâm nhập vào đường máu, gây viêm thận, viêm khớp, viêm tim… Khi mắc các biến chứng này, việc điều trị sẽ trở nên vô cùng phức tạp. Ngoài liệu pháp kháng sinh, bác sĩ sẽ cần phải theo dõi sát chức năng, dùng thuốc nâng đỡ cho các cơ quan bị ảnh hưởng được nhanh chóng phục hồi. Thậm chí, khá nhiều các trường hợp đã được điều trị tiêu diệt vi khuẩn một cách triệt để vẫn không tránh được di chứng nặng nề lâu dài về sau tại các cơ quan.

Ngoài ra, viêm họng vốn dĩ là một ổ nhiễm trùng. Trong các tình huống kiểm soát kháng sinh không hiệu quả, mắc phải chủng vi trùng kháng thuốc hay có độc tính cực mạnh, việc phóng thích ồ ạt vi trùng và độc tố của chúng vào máu sẽ gây ra tình trạng choáng nhiễm độc liên cầu hoặc cá biệt có thể nhiễm trùng huyết, tụt huyết áp, suy hô hấp, rối loạn tri giác, đôi khi ảnh hưởng đến tính mạng nếu không có đầy đủ phương tiện cứu chữa kịp thời.

Tóm lại, nếu là viêm họng do virus, bệnh thường kéo dài 3 – 5 ngày sẽ tự khỏi. Nếu là do vi khuẩn bội nhiễm, đặc biệt là liên cầu, bệnh thường kéo dài ngày hơn và đòi hỏi một sự điều trị kháng sinh có hệ thống để tránh các biến chứng.Vì vậy, mỗi người chúng ta cần có thái độ tích cực thăm khám sớm và được can thiệp sớm để giữ an toàn cho sức khỏe của chính mình và người thân.

 

Phản hồi của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.